Khi gặp sự cố, bạn hãy nhìn xem biến thế bên trong có nám đen hoặc mùi khét hay không. Nếu không thì bạn cứ mạnh dạn tháo bỏ tem bảo hành để mở vỏ máy ra sửa. Giá trị cao nhất của máy ổn áp chỉ là ở cuộn dây tự ngẫu, còn lại những thành phần khác không đáng bao nhiêu, tìm mua khá dễ.
Dưới đây là một số trường hợp hư hỏng và cách bảo trì, sửa chữa:
– Dây dẫn điện: Một số kiểu dùng dây dẫn điện chất lượng kém. Khi dây bị đứt, gãy, đoản mạch, ta nên thay bằng một loại dây khác và phải đảm bảo chất lượng tốt hơn loại cũ.
– Ổ cắm điện: Siết lại các ốc định vị ở ổ cắm cho chắc chắn, dùng tuốc-nơ-vít cách điện chỉnh nhẹ các lá đồng nằm bên trong để độ bám vào phích cắm được tốt hơn.
– Contact ngắt nguồn: Loại có vỏ màu trắng rất nhanh hỏng (giá chỉ 1.500 đồng/cái). Nó thường được sử dụng ở những máy ổn áp có công suất từ 1 KVA trở lên. Khi thay ta nên mua loại màu đen của Đài Loan, giá 5.000 đồng/cái.
– CB ngắt nguồn: Với loại máy có công suất lớn (từ 3 KVA trở lên) thì thường được gắn CB này. Chúng có chất lượng không ổn định, thỉnh thoảng vẫn xảy ra sự cố. Gặp trường hợp phải thay CB đã hư của máy ổn áp, bạn nên mua loại tốt của hãng National hoặc Mitsubishi, giá không cao hơn nhiều lắm mà đem lại sự an tâm cho người sử dụng.